Rơi vào bẫy lừa đảo khi vay tiền qua mạng
Những ngày cuối năm, trong khi bạn bè, đồng nghiệp lũ lượt về quê đón Tết Dương lịch thì chị L.T.D (quê An Giang) – công nhân tại một công ty sản xuất linh kiện ở TP. HCM chỉ biết lủi thủi một mình trong phòng trọ.
Chị D. vô cùng lo lắng khi nghĩ tới khoản nợ lớn chưa biết có cách nào giải quyết, hậu quả của một chiêu lừa đảo qua mạng mà chị là nạn nhân.
Theo lời kể của chị, do công ty liên tục cắt giảm giờ làm, thu nhập giảm sút, trong khi muốn có khoản tiền phụ giúp ba mẹ dưới quê chi trả tiền thuốc sâu, phân bón, chị đã quyết định vay tín dụng.
Chị D. bị lừa đảo qua mạng mất hơn 80 triệu đồng. Ảnh: P.V |
Tìm hiểu trên Facebook, chị D. tiếp cận được thông tin của một Fanpage có tên “Hỗ trợ vay vốn cuối năm”. Qua tin nhắn, trang này tự giới thiệu đang làm việc tại một ngân hàng có tiếng, đồng thời yêu cầu chị D. cung cấp thông cấp thông tin để được làm hồ sơ vay vốn.
Tiếp đến, trang này giới thiệu chị D. kết nối với một tài khoản Facebook cá nhân có tên là Quốc Minh để được tư vấn và hỗ trợ vay tiền. Sau khi chia sẻ nhu cầu vay 20 triệu đồng, chị D. được tài khoản Facebook trên gửi một đường link và đề nghị chị điền các thông tin cá nhân theo hướng dẫn.
Tuy nhiên, ngay khi vừa hoàn tất, chị D. nhận lại thông tin rằng đã ghi sai số tài khoản. Qua tin nhắn Facebook, người này cho biết để sửa lại hồ sơ cần phải đóng cọc 5 triệu đồng. Số tiền này sẽ được hoàn lại sau khi thủ tục được hoàn tất.
Tin nhắn của chị D. với đối tượng lừa đảo. Ảnh chụp màn hình |
Chị D. lúc này vẫn nghĩ mình đang trao đổi với nhân viên ngân hàng nên chấp nhận chuyển khoản. Nhưng sau khi tiền được chuyển, “nhân viên” phía cho vay nói rằng nội dung chuyển khoản sai cú pháp, đồng thời yêu cầu chị D. nộp thêm khoản tiền lớn hơn (10 triệu đồng) để hoàn tất thủ tục vay và lấy lại số tiền đã chuyển trước đó.
Lúc này, chị D. buộc phải vay mượn bạn bè để có tiền chuyển khoản theo yêu cầu.
Cũng như lần trước, phía cho vay tiếp tục đổ lỗi cho chị D. về cú pháp chuyển tiền. Người này tiếp tục đề nghị chị D. chuyển thêm tiền như trước đó.
Chị D. cho biết, sau khi đã chuyển khoản vài lần, chị rơi vào trạng thái “tiếc của”, muốn lấy lại bằng được số tiền gốc đã chuyển. Chị cầm xe, cầm điện thoại và bán vàng tích góp, thậm chí vay mượn thêm bạn bè để làm theo yêu cầu chuyển khoản.
Đến khi chị D. không thể xoay xở được nữa, đối tượng trên mạng thuyết phục chị D. nhắn ba mẹ cầm cố sổ đỏ. Lúc này chị mới nhận ra mình bị lừa. Chị cũng không thể liên lạc được tài khoản Facebook tên Quốc Minh.
Nước mắt những ngày cuối năm
Nữ công nhân cho hay, chỉ trong 3 ngày, chị đã chuyển khoản cho đối tượng trên 6 lần với số tiền hơn 80 triệu đồng, gấp 4 lần số tiền chị định vay lúc ban đầu.
“Tôi giống như bị bỏ bùa, họ nói gì cũng làm theo. Bây giờ khó khăn chẳng những không được giải quyết mà còn lâm vào cảnh nợ nần. Mấy ngày qua, đã có nhiều người quen đến tận phòng trọ đòi nợ, còn tôi chỉ biết nhốt mình trong phòng trọ, thậm chí muốn tìm đến cái chết. Nhờ có sự khuyên ngăn kịp thời của bạn bè nên tôi đã dần ổn định lại tâm lý, cố gắng làm việc tìm cách khắc phục hậu quả. Mấy ngày qua, ba mẹ dưới quê liên tục gọi điện hỏi, Tết Dương lịch này có về không, tôi chỉ biết viện lý do cho qua, không dám nghĩ đến chuyện về nhà ăn Tết”, chị D. nghẹn ngào.
Chi tiết giao dịch chị D. chuyển tiền theo yêu cầu của đối tượng lừa đảo. Ảnh chụp màn hình |
“Nhiều người biết chuyện, trách tôi ở thành phố mà sao lại dễ bị lừa thế. Dạo trước, tôi có nghe người ta nói về việc lừa đảo làm nhiệm vụ online, chứ vay tiền như vậy mình chưa nghe bao giờ. Thêm nữa, tôi cũng chủ quan do trước đây đã có lần vay được rồi, tôi cứ tin họ là nhân viên ngân hàng. Phần vì đã lỡ chuyển khoản, phần vì họ liên tục hứa hẹn mai tôi sẽ nhận được tiền. Tâm lý tiếc tiền cộng thêm người quen cho vay cũng hối thúc liên tục nên tôi cố làm theo lời họ nói để được lấy lại số tiền gốc sớm nhất. Sau khi nhận ra mình bị lừa tôi cũng tự trách bản thân nhiều lắm, không hiểu tại sao lúc đó mình lại thiếu tỉnh táo để bọn chúng lừa như vậy”, chị D. nói.
Cũng theo chị D., đến nay, chị vẫn chưa báo công an, một phần do mặc cảm vì áp lực từ gia đình, bạn bè, xã hội. Chị cố gắng xem đây là bài học và cố gắng vượt qua khó khăn.
Video: Nữ công nhân D. chia sẻ về việc bị lừa qua mạng
Làm thế nào để bảo vệ công nhân khỏi các đối tượng lừa đảo trên mạng?
Cục An toàn thông tin (Bộ TT&TT) cho biết, chỉ trong 6 tháng đầu năm 2023, tình hình lừa đảo trực tuyến tại Việt Nam tăng 64,78% so với cùng kỳ năm ngoái và tăng 37,82% so với 6 tháng cuối năm 2022.
Riêng tại TP. HCM, mới đây, Phòng An ninh mạng và Phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (PA05) Công an TP. HCM đã phát đi thông tin cảnh báo thủ đoạn lừa đảo vay tiền trực tuyến.
Theo đó, từ đầu năm 2022 đến nay, Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia ghi nhận có hơn 2.624 người báo cáo bị lừa đảo. Trong đó, số người phản ánh về các ứng dụng (app) liên quan tới hoạt động tín dụng đen chiếm 30% số lượng cảnh báo về lừa đảo trực tuyến.
Cụ thể, các đối tượng giả mạo tên, thương hiệu của các tổ chức tài chính, tín dụng, ví điện tử… để quảng cáo các gói vay hấp dẫn, lãi suất thấp, giải ngân nhanh, cho vay ưu đãi 0%, không cần tài sản thế chấp, giải ngân siêu tốc…
Các đối tượng lấy lý do thẩm duyệt hồ sơ và yêu cầu người vay cung cấp thông tin cá nhân như họ tên, địa chỉ, năm sinh, nơi làm việc kèm theo số điện thoại…, dẫn dụ cài đặt ứng dụng độc hại. Các ứng dụng này yêu cầu người vay nợ phải cho phép truy cập vào danh bạ điện thoại, tài khoản mạng xã hội, chụp ảnh nhận diện, ảnh căn cước công dân…
Khi nạn nhân không chuyển tiền theo yêu cầu, các đối tượng sẽ gán nợ, đòi nợ những người trong danh bạ hoặc gửi tin nhắn đe dọa, xúc phạm, bôi nhọ đến những người này, đăng trên các tài khoản mạng xã hội để gây áp lực.
Còn trong quá trình hoàn tất hồ sơ vay, các đối tượng thông báo nạn nhân đã nhận được tiền nhưng không rút được do “sai thông tin” nên yêu cầu bị hại chuyển tiền xác minh tài khoản. Với thủ đoạn này, nhiều người dân bị mất hết tài sản hiện có thì mới nhận ra bị lừa.
Phòng PA05, Công an TP. HCM khuyến cáo người dân phải tỉnh táo, nếu gặp phải thủ đoạn trên thì khẩn trương bảo mật thông tin cá nhân trên các nền tảng mạng xã hội, gỡ bỏ ứng dụng độc hại trên máy; cảnh báo thân nhân, bạn bè về việc bị lừa đảo để phòng ngừa; thu thập dữ liệu, thông tin về hành vi lừa đảo để tố giác đến cơ quan công an gần nhất.
Người dân tuyệt đối không chuyển tiền theo yêu cầu của đối tượng, cắt mọi liên lạc để không bị các đối tượng thao túng, dẫn dắt… chiếm đoạt tiền.
Các tin nhắn kèm đường link cài đặt ứng dụng có nội dung: “Không cần thế chấp, lãi suất không đồng”, “Vay siêu tốc, nhận tiền sau 30 phút, lãi suất thấp, nhận tiền ngay”… là một hình thức lừa đảo trực tuyến.
Trong khuôn khổ Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam diễn ra đầu tháng 12/2023, thực trạng tín dụng đen, lừa đảo qua mạng trong công nhân lao động được các đại biểu đưa ra phân tích.
Thượng tá Phan Văn Đuộc – Chủ tịch Công đoàn Trường Đại học Cảnh sát Nhân dân, cho biết tình hình công nhân sa vào tín dụng đen, lừa đảo qua mạng đang tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an ninh trật tự trong công nhân. Các đối tượng xấu dùng thủ đoạn là đăng tin tìm lao động online, việc nhẹ lương cao, dẫn dụ công nhân vào các đường dây buôn người. Sau đó, gia đình phải mất rất nhiều tiền để chuộc con em về thông qua hình thức cho vay tiền qua app (vay tiền online) rồi chiếm đoạt tài sản.
Trước yêu cầu, nhiệm vụ công tác công đoàn trong tình hình mới, thượng tá Phan Văn Đuộc cho rằng, các cấp công đoàn phải nắm chắc tình hình công nhân để tham gia xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và đảm bảo an ninh, trật tự trong công nhân. Trong đó, cán bộ công đoàn phải phối hợp cùng công an để tham mưu với cấp ủy, chính quyền, cũng như phối hợp với địa phương xử lý các vấn đề liên quan đến an ninh trật tự trong công nhân…
Thủ tục trình báo công an khi bị lừa đảo qua mạng: Bước 1: Tập hợp đầy đủ các thông tin, tài liệu và trình bày rõ những hiểu biết của mình liên quan đến tội phạm mà mình tố giác, báo tin. Bước 2: Trực tiếp trình báo hoặc tố giác bằng miệng hoặc bằng văn bản tới quan quan Công an có thẩm quyền. Lưu ý, chỉ có cơ quan Cảnh sát điều tra Công an cấp quận, huyện, thị xã; cơ quan An ninh điều tra, cơ quan Cảnh sát điều tra Công an cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; cơ quan An ninh điều tra, cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an mới có chức năng giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố. Bước 3: Theo dõi kết quả giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố. Sau 03 ngày kể từ ngày tố giác, báo tin về tội phạm, kiến nghị khởi tố mà chưa nhận được thông báo bằng văn bản về việc tiếp nhận thì cơ quan, tổ chức, cá nhân có quyền yêu cầu cơ quan tiếp nhận thông báo bằng văn bản về việc tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố. Khi hết thời gian giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố theo quy định tại Khoản 1 và Khoản 2 Điều 147 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 mà chưa nhận được văn bản thông báo kết quả giải quyết thì cơ quan, tổ chức, cá nhân có quyền đề nghị cơ quan tiếp nhận thông báo bằng văn bản về kết quả giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố. |
Bài 1: Chiêu dụ dỗ “moi tiền” ứng viên thu âm lồng tiếng online
Không ít người lao động trong quá trình tìm kiếm việc làm online đã bị lừa đảo. Để dụ ứng viên thu âm lồng tiếng … |
Bài 2: Mất 240 triệu khi sập bẫy lừa đảo ứng tuyển thu âm lồng tiếng online
Tưởng rằng sẽ trở thành nhân viên thu âm lồng tiếng online với thu nhập ổn định trang trải cuộc sống, một người phụ nữ … |
Bài 3: Hình thức phái sinh của lừa đảo tuyển dụng việc làm online
Đại diện Cục An ninh mạng và Phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (A05), Bộ Công an cho biết, thủ đoạn lừa … |