Thẩm quyền giao kết hợp đồng lao động
PV: Thưa Luật sư, hậu quả của vụ tai nạn sạt lở nói trên làm 3 người tử vong, trong đó, có cháu Nguyễn Ngọc H., quê ở xã Quỳnh Lâm, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An, sinh năm 2007, tức mới 17 tuổi, công nhân thi công tại công trình. Sử dụng lao động chưa thành niên trong trường hợp này, ở công trường, không có giám hộ thì người sử dụng lao động vi phạm pháp luật ở mức độ nào, điều luật nào?
TS. LS. Đặng Văn Cường: Đây là vụ tai nạn nghiêm trọng khiến nhiều người lao động bị vùi lấp tử vong nên cơ quan chức năng sẽ vào cuộc xác minh làm rõ nguyên nhân để có cơ sở xác định trách nhiệm của các tổ chức cá nhân có liên quan để xử lý theo quy định pháp luật.
Cơ quan chức năng sẽ làm rõ danh tính các nạn nhân, mối quan hệ giữa nạn nhân với doanh nghiệp để xác định quan hệ lao động được xác lập như thế nào, có hợp pháp hay không. Đặc điểm công việc đòi hỏi trình độ chuyên môn kĩ thuật như thế nào, việc trang bị thiết bị bảo hộ lao động ra sao, có được tập huấn về an toàn lao động hay không.
Đồng thời, sẽ phải làm rõ việc bố trí lán trại, ăn ở sinh hoạt của người lao động có tuân thủ các quy tắc đảm bảo an toàn lao động hay không. Trên cơ sở đó sẽ xác định vụ tai nạn này có lỗi trong công tác quản lý hay không để xem xét xử lý đối với đơn vị sử dụng lao động.
Tiến sĩ, Luật sư Đặng Văn Cường – Trưởng Văn phòng Luật sư Chính Pháp, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội. Ảnh: PV |
Trong vụ việc này có nạn nhân là người chưa thành niên, đây là vấn đề rất đáng chú ý liên quan đến vấn đề quản lý lao động. Cơ quan chức năng sẽ làm rõ hợp đồng với người lao động này được xác lập như thế nào, công việc nhiệm vụ được phân công làm gì, khi giao kết hợp đồng có sự đồng ý của người giám hộ hay không để xác định việc giao kết hợp đồng có phù hợp với quy định của pháp luật hay không.
Trường hợp không có hợp đồng lao động, công việc không phù hợp với lứa tuổi, không có sự đồng ý của người giám hộ, của cha mẹ thì việc sử dụng lao động như vậy là vi phạm luật lao động, đơn vị sử dụng lao động sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính và phải bồi thường toàn bộ thiệt hại.
Như ta biết, Khoản 4 Điều 18 Bộ luật Lao động 2019 quy định người giao kết hợp đồng lao động bên phía người lao động là người thuộc một trong các trường hợp sau đây:
Thẩm quyền giao kết hợp đồng lao động
(…)
4. Người giao kết hợp đồng lao động bên phía người lao động là người thuộc một trong các trường hợp sau đây:
a) Người lao động từ đủ 18 tuổi trở lên;
b) Người lao động từ đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi khi có sự đồng ý bằng văn bản của người đại diện theo pháp luật của người đó;
c) Người chưa đủ 15 tuổi và người đại diện theo pháp luật của người đó;
d) Người lao động được những người lao động trong nhóm ủy quyền hợp pháp giao kết hợp đồng lao động.
5. Người được ủy quyền giao kết hợp đồng lao động không được ủy quyền lại cho người khác giao kết hợp đồng lao động.
Cơ quan chức năng thực hiện công tác cứu nạn, cứu hộ vào chiều 6/5/2024. Ảnh: TRẦN TUẤN |
PV: Được biết, bên sử dụng lao động đã trực tiếp thỏa thuận gia đình cháu Nguyễn Ngọc H. và bồi thường cho gia đình 180 triệu đồng. Xét từ góc độ luật pháp, việc bồi thường như thế được xem là đã khắc phục xong hậu quả đúng không ạ?
TS. LS. Đặng Văn Cường: Trong trường hợp kết quả xác minh của cơ quan điều tra có căn cứ cho thấy đã có hành vi vi phạm quy định về an toàn lao động dẫn đến hậu quả vụ tai nạn lao động xảy ra thì người vi phạm sẽ bị xử lý hình sự theo Điều 295, Bộ luật Hình sự. Đồng thời, phải bồi thường toàn bộ thiệt hại đối với nạn nhân và gia đình các nạn nhân.
Trong trường hợp vụ việc không có dấu hiệu tội phạm thì đơn vị sử dụng lao động vẫn phải có trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho người lao động theo quy định của pháp luật.
Thiệt hại ở đây bao gồm chi phí cứu chữa, tiền công người chăm sóc, thu nhập bị mất, bị giảm sút với người bị thương tích. Đối với nạn nhân đã tử vong thì còn phải bồi thường thiệt hại là chi phí mai táng theo phong tục địa phương và bồi thường tổn thất về tinh thần, bồi thường nghĩa vụ cấp dưỡng cho người mà nạn nhân có nghĩa vụ cấp dưỡng theo quy định của pháp luật.
Các bên có thể thỏa thuận với nhau về mức bồi thường, nếu không thỏa thuận được thì có thể đề nghị tòa án giải quyết theo quy định của pháp luật.
Nạn nhân bị thương được cơ quan chức năng đi cấp cứu vào chiều 6/5/2024. Ảnh: HẠNH NGUYÊN |
Không chỉ hô khẩu hiệu “An toàn là bạn, tai nạn là thù” một cách sáo rỗng
PV: Theo Luật sư, giải pháp nào để giảm thiểu những vụ tai nạn tương tự cũng như vấn đề sử dụng lao động chưa đủ tuổi, cụ thể là phải làm gì để đưa ra những cảnh báo cho các nhà thầu cần tuân thủ pháp luật trong thi công, sử dụng lao động?
TS. LS. Đặng Văn Cường: Trong thời gian qua, liên tục xảy ra các vụ tai nạn lao động; trong đó, không ít những vụ tai nạn lao động có lỗi của người sử dụng lao động.
Những lỗi chủ yếu là sử dụng lao động không có chuyên môn kĩ thuật nghiệp vụ phù hợp với tính chất của công việc, không được tập huấn về an toàn lao động, không được trang bị về thiết bị an toàn lao động, sử dụng các máy móc thiết bị đã hết kiểm định, không đúng với tiêu chuẩn kĩ thuật, quy trình bảo quản sửa chữa…
Người sử dụng lao động bất cẩn trong công tác quản lý, thiếu giám sát, không tuân thủ các quy tắc đảm bảo an toàn lao động dẫn đến các vụ tai nạn lao động xảy ra gây hậu quả nghiêm trọng.
Cơ quan chức năng thực hiện công tác cứu nạn, cứu hộ tại hiện trường vào chiều 6/5/2024. Video: TRẦN TUẤN.
Bởi vậy, để giảm thiểu các vụ tai nạn lao động nghiêm trọng thì không chỉ hô khẩu hiệu “An toàn là bạn, tai nạn là thù” một cách sáo rỗng, chung chung mà cần phải biến thành những hành động thực sự, thiết thực, cụ thể.
Cần phải tuân thủ các quy tắc đảm bảo an toàn trong lao động, việc sử dụng lao động đúng người đúng việc, đúng chuyên môn bằng cấp phải có tập huấn. Việc sử dụng các máy móc thiết bị phải có kiểm định chất lượng, phải đúng tiêu chuẩn kĩ thuật, phải bảo quản bảo dưỡng thường xuyên.
Khi tuân thủ các quy tắc đảm bảo an toàn, người lao động có trình độ chuyên môn phù hợp, được tập huấn lao động và quy tắc đảm bảo an toàn được thực hiện trong mọi công đoạn thì sẽ giảm thiểu những vụ tai nạn lao động xảy ra.
Xin trân trọng cảm ơn Luật sư về cuộc trao đổi này!
Năm 2022, báo chí đã phản ánh Dự án đường điện 500kV băm xẻ nhiều diện tích núi đồi ở thị xã Kỳ Anh (Hà Tĩnh), gây nguy cơ sạt lở. Nhà thầu không có phương án hoàn trả mặt bằng, chống sạt lở, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn, môi trường mà dự án trên gây ra. Cũng lúc đó, việc đào móng chôn cọc trong quá trình thi công trên núi cao và làm đường vận chuyển gây ra lượng lớn đất đá tràn sang nhiều diện tích khác đã được cơ quan chức năng cảnh báo về việc mất an toàn lao động cho công nhân thi công, đặc biệt là vào mùa mưa lũ. Khi báo chí phản ánh, UBND tỉnh Hà Tĩnh đã chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường, UBND thị xã Kỳ Anh và các cơ quan chuyên môn kiểm tra hiện trạng, và có báo cáo UBND tỉnh về những nguy cơ mất an toàn lao động trong quá trình thi công.
Dự án đường dây 500kV mạch 3 từ Quảng Trạch đến Phố Nối đi qua địa bàn Hà Tĩnh với chiều dài khoảng 141,52km với 285 vị trí móng cột. Ghi nhận thực tế của phóng viên cho thấy, xung quanh nhiều cột móng trong số này, từng mảng rừng loang lổ, đất đá đổ ra. Với mắt thường có thể thấy lượng đất đá này có thể trôi sạt bất cứ lúc nào gây nguy hiểm cho người ở gần, đó là chưa nói đến những vị trí đào móng có thể gây sạt lở khi có mưa lớn. |
Vụ sạt lở ở Hà Tĩnh: Có thể truy cứu trách nhiệm nếu không đảm bảo an toàn lao động
Khi đang thi công đường điện 500kV ở Hà Tĩnh, sạt lở bất ngờ xảy ra khiến 3 công nhân tử vong, nhiều người khác … |
Vụ 7 công nhân thương vong ở Hà Tĩnh: Có người chưa thành niên
Trong danh sách 18 công nhân bị ảnh hưởng của sự cố sạt lở khiến 7 người thương vong do UBND thị xã Kỳ Anh … |
Vụ sạt lở có lao động chưa thành niên tử vong ở Hà Tĩnh: Trách nhiệm thuộc về ai?
Như Tạp chí Lao động và Công đoàn đã đưa tin, vụ sạt lở đã khiến cháu Nguyễn Ngọc H., sinh năm 2007, tức mới … |