Cán bộ Công đoàn tỉnh Lâm Đồng gặp gỡ, động viên và tư vấn cho người lao động trước buổi làm việc với Ban Quản lý dự án Đà Lạt và các bên liên quan đến vụ việc nợ lương. Ảnh: ĐL |
Liên quan vụ việc nợ lương người lao động đã được Tạp chí Lao động và Công đoàn phản ánh hồi cuối tháng 12/2023 và đầu tháng 1/2024, vừa qua Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng và Phát triển quỹ đất Đà Lạt (Ban Quản lý dự án Đà Lạt) tổ chức buổi thông báo giá trị thanh toán cho nhà thầu và người lao động.
Có thể được nhận 50% lương trước Tết
Như Tạp chí Lao động và Công đoàn đã phản ánh trước đây, công trình nâng cấp, mở rộng đường Kim Đồng (thành phố Đà Lạt) đã hoàn thành nhiều tháng nhưng người lao động thi công chưa được trả hết tiền công khiến họ gặp nhiều khó khăn. Tổng số tiền nợ gần 580 triệu đồng đối với 4 tổ thi công gồm hơn 30 người lao động.
Đại diện người lao động làm đơn khiếu nại gửi chính quyền thành phố Đà Lạt và Ban Quản lý dự án Đà Lạt – chủ đầu tư công trình đề nghị can thiệp, hỗ trợ giữ lại phần giá trị còn lại chưa thanh toán cho nhà thầu để trả lương cho công nhân.
Ban Quản lý dự án Đà Lạt đã có buổi làm việc với các bên liên quan, đại diện người lao động vào ngày 5/1 và đi đến kết luận: Chủ đầu tư sẽ thông tin đến các bên liên quan về thời điểm giải ngân số tiền còn lại trước 01 ngày để các bên biết, theo dõi và thanh toán cho người lao động.
Tại buổi thông báo lần này (ngày 19/1), đại diện Ban Quản lý dự án Đà Lạt, ông Nguyễn Thanh Tùng cho biết, theo hợp đồng thi công xây dựng công trình đường Kim Đồng được ký kết giữa Ban Quản lý dự án Đà Lạt với Công ty TNHH Thương mại xây dựng Bắc Hà Đông (Công ty Bắc Hà Đông) và kết quả nghiệm thu công trình thì tổng giá trị quyết toán công trình là gần 4,2 tỷ đồng. Ban Quản lý dự án Đà Lạt đã thanh toán cho Công ty Bắc Hà Đông 3 lần trước đó. Số tiền thanh toán lần thứ 4 (lần cuối) là hơn 538 triệu đồng.
Nội dung biên bản làm việc giữa Ban Quản lý dự án Đà Lạt và các bên liên quan đến vụ việc nợ lương người lao động. Ảnh: ĐL |
Tuy nhiên, quy định pháp luật về đầu tư công, về quản lý thuế và theo hợp đồng thi công thì đơn vị thi công phải đóng 1% thuế, tương đương hơn 38,8 triệu đồng. Đồng thời Ban Quản lý dự án Đà Lạt giữ lại 5% giá trị bảo hành công trình, tương đương với hơn 209,7 triệu đồng.
Như vậy đợt thanh toán này, Công ty Bắc Hà Đông được nhận gần 290 triệu đồng. Số tiền này, Ban Quản lý dự án Đà Lạt đã lập chứng từ chuyển qua Kho bạc Nhà nước để thanh toán cho Công ty Bắc Hà Đông theo hợp đồng thi công.
“Số tiền này sẽ được chuyển đến tài khoản của Công ty Bắc Hà Đông trong thời gian tới, từ ngày 22 đến ngày 26/1”, ông Nguyễn Thanh Tùng khẳng định.
Tại buổi làm việc ông Nguyễn Văn Hà – Giám đốc Công ty Bắc Hà Đông cũng cam kết: “Ngay khi nhận được số tiền này, chúng tôi sẽ chuyển toàn bộ cho đơn vị nhận thi công là Công ty CP Đầu tư xây dựng sản xuất thương mại dịch vụ xuất nhập khẩu DSC Đức Trọng (Công ty DSC Đức Trọng) để trả cho người lao động như cam kết tại biên bản làm việc ngày 5/1 vừa qua”.
Theo bảng khối lượng thi công mà Công ty DSC Đức Trọng và ông Giám đốc Công ty Bắc Hà Đông xác nhận hồi tháng 8/2023 thì số tiền công còn nợ của người lao động thuộc 4 tổ, đội là gần 580 triệu đồng. Như vậy, nếu Công ty Bắc Hà Đông và Công ty DSC Đức Trọng trả cho người lao động toàn bộ số tiền do Ban Quản lý dự án Đà Lạt thanh toán lần này như đã cam kết, thì mỗi người lao động cũng chỉ được nhận tối đa 50% số tiền công trước kỳ nghỉ Tết Nguyên đán năm nay.
Buổi làm việc giữa Ban Quản lý dự án Đà Lạt và các bên liên quan giải quyết vụ việc nợ lương người lao động thi công đường Kim Đồng. Ảnh: ĐL |
Không thể bỏ cuộc
Đại diện người lao động, ông Đinh Hải Minh cho biết, ngay sau buổi thông báo của Ban Quản lý dự án Đà Lạt, đại diện các tổ, đội thi công đã yêu cầu phía Công ty DSC Đức Trọng có văn bản gửi đến Công ty Bắc Hà Đông đề nghị tạm ứng số tiền trên; đồng thời ủy quyền cho ông Minh nhận số tiền này từ Công ty Bắc Hà Đông để thanh toán cho người lao động.
“Nhờ sự tư vấn, hỗ trợ của Ban Quản lý dự án Đà Lạt và cán bộ Công đoàn tỉnh Lâm Đồng, phía hai công ty đã thống nhất được cách thức và lập hồ sơ thanh toán tiền công cho chúng tôi. Mong rằng các bên thực hiện đúng như cam kết để chúng tôi được nhận tiền công trước Tết này”, ông Đinh Hải Minh bày tỏ.
Ông Tạ Viết Phong, quê ở Hà Nội – tổ trưởng một tổ thi công bùi ngùi chia sẻ: “Nếu được trả tiền công đúng như ông Giám đốc Công ty Bắc Hà Đông cam kết, chúng tôi sẽ họp người lao động để chia theo tỷ lệ. Dù chưa được nhận đủ nhưng anh em cũng có ít tiền về quê ăn Tết với gia đình. Số tiền còn lại chưa biết đến bao giờ được nhận, nhưng chúng tôi không thể bỏ cuộc vì đây là mồ hôi, sức lực của chúng tôi đã bỏ ra”.
Đường Kim Đồng (TP. Đà Lạt) đã hoàn thành nhưng người lao động vẫn bị nợ tiền lương. Ảnh: ĐL |
Về việc này, Chủ tịch LĐLĐ thành phố Đà Lạt Nguyễn Thanh Tuấn cho biết, qua làm việc với Ban Quản lý dự án Đà Lạt, lãnh đạo đơn vị này khẳng định, số tiền 5% bảo hành, khi có biên bản nghiệm thu hết thời gian bảo hành công trình, chủ đầu tư sẽ chuyển số tiền này cho đơn vị hợp đồng thi công là Công ty Bắc Hà Đông.
Khi đó Ban Quản lý dự án Đà Lạt sẽ có văn bản thông báo đến các bên liên quan (Công ty Bắc Hà Đông, Công ty DSC Đức Trọng, LĐLĐ thành phố Đà Lạt và đại diện các tổ, đội thi công) về thời điểm giải ngân số tiền còn lại trước 01 ngày để các bên biết, theo dõi và thanh toán cho người lao động.
“Thời gian bảo hành công trình là 12 tháng kể từ khi được chủ đầu tư và các cơ quan chức năng nghiệm thu, bàn giao đưa vào sử dụng. Như vậy ít nhất phải sau một năm nữa người lao động mới có thể được trả số tiền còn lại. Chúng tôi sẽ tiếp tục đồng hành cùng người lao động trong hành trình này”, Chủ tịch LĐLĐ thành phố Đà Lạt khẳng định.
Voice: ông Nguyễn Văn Hà – Giám đốc Công ty Bắc Hà Đông.
Lâm Đồng: Người lao động bị nợ lương nhiều tháng, thấp thỏm lo mất Tết
Dù công trình đường Kim Đồng, phường 6, thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng thi công xong đã lâu nhưng ông Nguyễn Văn Hà … |
Vụ nợ lương người lao động ở Lâm Đồng: đã thống nhất phương án giải quyết
Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng và Phát triển quỹ đất Đà Lạt vừa tổ chức buổi làm việc giữa các bên, … |